Tập gym xuyên đêm làm thay đổi nhịp sinh học, dễ gây mệt mỏi, mất sức, chấn thương lâu hồi phục, ảnh hưởng sức khỏe tinh thần.
Gym là một trong loại hình vận động phổ biến, phù hợp với nhiều lứa tuổi, mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, cải thiện vóc dáng. Ngoài khung giờ sáng, trưa, chiều, nhiều người tập gym xuyên đêm, chủ yếu là dân văn phòng, người nổi tiếng có lịch trình bận rộn. Xu hướng này bắt đầu xuất hiện từ năm 2018.
Huấn luyện viên, vận động viên thể hình quốc gia Tạ Đình Thái cho biết thời gian lý tưởng để tập luyện là 16-19h, giúp giảm cân, cơ bắp chắc khỏe, nghỉ ngơi sau 21h. Một số trường hợp bận rộn, tập muộn thì nên cân đối nạp đủ dinh dưỡng trước, trong và sau tập để hạn chế chấn thương.
“Tuy nhiên, mọi người không nên kéo dài việc tập luyện đêm muộn trong thời gian dài, kể cả người khỏe mạnh, không có bệnh nền”, huấn luyện viên chia sẻ.
Theo anh, mọi người cần ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm và từ 30 đến 60 phút buổi trưa để cơ thể phát triển, tránh stress, đau nhức đầu, mệt mỏi và dị hóa cơ. Nhiều trường hợp tập xuyên đêm, quá sức dẫn đến teo cơ, mất cơ, ảnh hưởng đến khả năng vận động sau này, thậm chí mắc bệnh xương khớp khó hồi phục. Ngoài ra, tập luyện quá sức dễ gây chấn thương, khó ngủ, ngủ chập chờn, ảnh hưởng tim mạch…
Nghiên cứu do Tạp chí Tim mạch châu Âu công bố năm 2013 cho thấy, lạm dụng các bài tập đốt mỡ với cường độ mạnh, tập quá sức, nhất là với người có tiền sử gia đình bị nhịp tim bất thường có thể dẫn tới suy giảm sức khỏe tim mạch.
“Mục đích tập luyện là để khỏe mạnh, mọi người nên cân đối để không gây hại sức khỏe sau này”, huấn luyện viên cho biết.
Cùng quan điểm, bác sĩ thể thao Nguyễn Trọng Thủy, Trung tâm Y học thể thao Starsmec, cho rằng gym đòi hỏi kỹ thuật cao, người tập phải thực hành đúng, đủ, đều và được hướng dẫn cụ thể để tránh chấn thương, ảnh hưởng chức năng vận động lâu dài. Tập luyện đúng cách đóng góp 20% khả năng tăng trưởng tầm vóc, cải thiện sự linh hoạt cơ bắp hiệu quả. Nhiều nghiên cứu cho thấy tập gym còn có ích cho xương như tăng sức mạnh và chỉ số sức mạnh của xương (BSI), giảm nguy cơ gãy xương và tỷ lệ chấn thương liên quan đến thể thao.
“Trường hợp tập không đúng thì dễ chấn thương, tập không đều, không đủ sẽ giảm hiệu quả, phản tác dụng”, bác sĩ nói. Mặt khác, chấn thương tập gym có thể xảy ra đột ngột hoặc tích tụ lâu dài, gây suy giảm chức năng vận động và bệnh xương khớp.
Tuy nhiên, mỗi người có công việc và nhịp sinh hoạt riêng. Chẳng hạn nhân viên phục vụ làm đêm, ngủ ngày hoặc công nhân xây dựng làm việc buổi đêm… Do đó, mỗi người nên tự cân đối công việc và lắng nghe cơ thể, dành thời gian hợp lý để bản thân được nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng.
Ông Nguyễn Thế Thanh Tùng, ủy viên Liên đoàn Cử tạ – Thể hình TP HCM, giám đốc điều hành CyberFit, đánh giá khi không có sự lựa chọn nào khác, mọi người có thể cá nhân hóa giờ tập luyện theo giờ sinh học.
Trường hợp tập luyện đêm cần những bài nhẹ nhàng như yoga, stretching (giãn cơ), bơi lội, đạp xe, tập tạ vừa sức với nhịp tim tối đa không quá 60%. Người tập cần tìm hiểu kỹ, được tư vấn từ chuyên gia, huấn luyện viên có kinh nghiệm.
Nguồn : https://vnexpress.net/tap-gym-xuyen-dem-de-gay-chan-thuong-4723703.html