Tập thể dục trong môi trường tự nhiên với không gian mở luôn được khuyến khích để đạt hiệu suất tập luyện cao nhất. Song thực tế dịch bệnh và nắng nóng như hiện nay, tập luyện tại nhà đã trở thành xu thế tất yếu. Đối với nhiều người, tập tại nhà đồng nghĩa với việc sử dụng quạt hoặc điều hòa để làm mát trong khi tập luyện. Vậy sử dụng thiết bị làm mát khi tập thể thao có đúng không và cần lưu ý những điều gì?
Cân nhắc khi sử dụng thiết bị làm mát trong tập thể thao
Các bác sĩ cả tây y và đông y đều khẳng định người tập thể dục thể thao nên tránh gió nhiều nhất có thể khi tập luyện. Nhiều nghiên cứu cho thấy khi các luồng gió thổi vào cơ thể quá lâu có thể gây căng cơ và làm tổn hại tới các tế bào. Gió thường làm giảm nhiệt độ cơ thể, song mức giảm nhiệt thường rất nhỏ khiến chúng ta khó nhận biết.
Y học cổ truyền cũng rất chú trọng giữ cơ thể không bị nhiễm lạnh bởi gió là căn nguyên của rất nhiều bệnh. Bạn đã từng nghe quan điểm rất phổ biến trong y học phương Đông “nóng một chút thì nên gắng chịu đựng nhưng lạnh một chút cần phải khắc phục ngay”. Do đó hãy cân nhắc việc dùng quạt hoặc điều hòa khi luyện tập thể thao tại nhà.
Tránh luồng gió thổi thẳng vào người
Trong trường hợp thật cần thiết hoặc bạn không thể chịu được sức nóng từ thời tiết cũng như tập luyện cường độ cao thì hãy sử dụng điều hòa thay vì quạt. Khi tập luyện đổ mồ hôi nhiều cũng hạn chế dùng quạt vì luồng gió từ quạt xối thẳng và liên tục vào người sẽ khiến mồ hôi bốc hơi nhanh, nhiệt độ giảm mạnh, lỗ chân lông và mạch máu dưới da co lại làm huyết áp tăng. Lúc này, tuần hoàn máu của cả cơ thể bị mất cân bằng, hệ thống bài tiết mồ hôi cũng bị đảo lộn. Cơ thể sẽ xuất hiện triệu chứng chân tay mất hết sức lực, đau đầu. Nặng hơn sẽ xảy ra tình trạng trúng gió, thậm chí đột quỵ.
Theo đông y, khi tập thể dục máu huyết lưu thông nhanh đồng nghĩa với các kinh mạch, huyệt vị cũng được mở rộng. Vì vậy, nếu bật quạt sẽ khiến phong tà nhập vào cơ thể, tạo nên những vấn đề nguy hiểm cho sức khỏe. Do đó, để tránh phong hàn thì không nên bật quạt máy trong khi tập thể dục.
Chỉ nên dùng quạt để lưu thông không khí bằng cách đặt quạt ở góc phòng cách xa nơi tập luyện hoặc sử dụng quạt tháp để tránh các luồng gió xả quá mạnh và trực tiếp vào người tập.
Duy trì nhiệt độ điều hòa trên 25 độ
Điều hòa dù được khuyến cáo sử dụng khi cần thiết làm mát trong tập luyện thể thao nhưng cũng cần lưu ý một số điểm nhất định. Khi bật điều hòa, tuyệt đối không để luồng gió thổi thẳng trực tiếp và liên tục vào người tập. Nhiệt độ lý tưởng là trên 25 độ để không khí không bị quá lạnh và khô. Tiếp xúc lâu trong gió, các mạch máu co lại làm cho các tế bào, nhất là tế bào cơ không đủ máu, gây tổn hại cho tế bào và thường gây căng cơ, dẫn tới chứng đau cơ, đặc biệt là phần lưng, vai và gáy.
Ngoài ra, không khí từ máy điều hòa thường lạnh và khô nên sẽ gây khô các lớp niêm mạc ở mũi, miệng và cổ họng, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Người tập có thể bị khô họng, viêm mũi, tắc mũi do hậu quả của nhiễm virus hoặc các phản ứng dị ứng từ điều hòa do bụi bẩn.
Lưu ý riêng với người tập Yoga
Một huấn luyện viên Yoga chuyên nghiệp người Ấn Độ cho rằng khi tập Yoga, cơ thể thường phát ra một kiểu nhiệt gọi là “ushna”. Nếu trong lúc tập luyện, người tập ở vị trí trực diện với luồng gió của điều hòa hay quạt sẽ gây hiệu ứng nóng lạnh luân phiên trong cơ thể. Đây là nguyên nhân dẫn đến chứng cảm lạnh và các bệnh về xoang. Vì vậy, nếu bạn tập Yoga thì hãy để điều hòa ở mức vừa phải trên 25 độ và tránh các luồng gió thổi trực tiếp.
Như vậy, việc dùng quạt hay điều hòa trong tập luyện thể thao tại nhà là có thể nhưng phải tuân thủ một số nguyên tắc nhất định về luồng gió cũng như nhiệt độ để đảm bảo sức khỏe người tập. Hãy duy trì tập thể thao hằng ngày tại nhà một cách khoa học và đúng phương pháp để có sức khỏe dẻo dai, hạn chế bệnh tật và các tai nạn bất ngờ bạn nhé.
Nguồn : https://sport1.vn/blogs/tin-tuc/co-nen-bat-dieu-hoa-khi-tap-the-thao-tai-nha